Trang chủ EDA | Doman - Hosting | Siêu thị trực tuyến

Cửa hàng mã của ba anh em tàn tật

Các điều hành viên: wwwlevantinh, funnyboy

Cửa hàng mã của ba anh em tàn tật

Gửi bàigửi bởi 7love » Thứ 7 07 Tháng 6, 2008 3:52 pm

- Mỗi ngày, ba anh em phải cố lết từng bước chân khó nhọc, cắt từng miếng giấy, chẻ từng thanh tre. Mỗi người mỗi việc, họ đang cố hoàn thành cho xong đơn đặt hàng đúng hạn. Với bàn tay khéo léo, chẳng bao lâu Duy đã làm xong chiếc thuyền bằng giấy.

Hình ảnh
Một buổi làm việc của mấy anh em tàn tật.

Bị tàn tật từ nhỏ, nhưng không vì thế mà ba anh em Bình, Duy và Ngân đầu hàng số phận. Họ đã chịu thương chịu khó học nghề, tạo dựng cho mình một công việc để có thể tự mình kiếm sống và tìm niềm vui mỗi ngày.

“Trời ơi, chúng con có tội gì?”

Chú Mai Văn Thành và cô Đặng Thị Mai (tổ 11, phường Phú Bình, TP Huế) sinh được 5 con thì ba cậu con trai lúc đầu sinh ra đều rất bình thường, càng lớn lên thì đôi chân cứ thế teo lại, mãi vẫn không biết đi. Cậu con trai thứ hai không bị tật thì lại mất sớm. May cô chú sinh được cô con gái khỏe mạnh và xinh đẹp.

Người bị nặng nhất trong mấy anh em là người anh đầu Mai Thanh Bình (sinh năm 1979). Lên 4 tuổi mà Bình vẫn không biết đi, đôi chân không phát triển và ngày một teo lại. Đến lúc 10 tuổi, Bình mới tập tành nhắc từng bước chân nhỏ.

Hình ảnh
Bình đứng dậy rất khó khăn.

Người con trai thứ ba là Mai Văn Duy (sinh năm 1984) bị tê liệt hoàn toàn chân bên phải, việc đi lại đối với Duy là cả một sự khó nhọc.

Năm 1994, cô Mai sinh cậu con út Mai Văn Ngân và cô chú rất buồn khi Ngân cũng bị chứng bệnh như hai anh. “Lần này thì chỉ biết ngẩng mặt nhìn ông trời mà than khóc, trời ơi chúng con có tội gì?” - cô Mai ngậm ngùi.
Cả gia đình sống trong một căn nhà xiêu vẹo chưa đầy 40m2 được dựng lên bởi những tấm nứa, tôn gắn vào những cột tre, sắt đã mục nát, hoen rỉ. Cuộc sống bao khó khăn, vất vả nhưng cô chú hàng ngày vẫn ra tận các khu chợ đi thồ xe, bốc vác, buôn bán hàng vặt để nuôi các con lớn lên.
Với hoàn cảnh éo le như vậy, cộng thêm chứng bệnh của mấy người con, gia đình cô Mai chỉ có thể cho các con học cho biết cái chữ.

Nghị lực vượt lên số phận

Người con thứ hai của cô chú là Mai Văn Tâm (sinh năm 1981) may mắn hơn ba người anh em bị tật. Tâm sinh ra bình thường, khỏe mạnh nhưng gánh nặng gia đình lại oằn lên đôi vai của anh.

Tâm quyết tâm đi học nghề mong sao giảm bớt khó khăn cho bố mẹ. Ngay từ nhỏ, Tâm đã gắn bó với nghề cắt dán hàng mã. Vừa học vừa làm nên Tâm rất nhanh biết. Chưa đầy ba tháng, Tâm đã tích lũy cho mình một vốn kiến thức và tay nghề đủ để về nhà mở một cửa hàng nhỏ.

Thấy Tâm vất vả nên mấy anh em cũng đã góp sức, người chẻ que tre, người cắt tờ giấy. Lâu rồi cũng quen, dần dần tay nghề cũng thành thạo. Từ đó, bốn anh em liên tiếp nhận được hàng trăm đơn đặt hàng từ khắp mọi nơi. Cái tên bốn anh em khuyết tật làm hàng mã cho đám ma cũng nổi tiếng từ đây.

Nhìn thấy hàng loạt các đơn đặt hàng của mấy anh em, cô Mai chú Thành cũng phần nào đó được an ủi “Vậy là những đứa con của mình vẫn không tàn phế hoàn toàn” - chú Thành bộc bạch.

Một đơn đặt hàng khảng 1 triệu đồng, ngoài tiền mua giấy, mua vật liệu thì lời lãi cũng được 200 ngàn đồng. Làm xong thì mấy anh em lại nhờ bố và mẹ chuyển đến tận gia đình khách hàng. Duy kể “Vào những ngày lễ, có những lúc hàng nhiều quá mấy anh em phải thức trắng đêm để làm cho xong để kịp giao cho khách. Hai chân không thể nhấc nổi lên được chỉ có cách là cố bò từng bước nhỏ. Những lúc như vậy, việc ăn uống hay đi vệ sinh đều nhờ cậy vào bố mẹ”.

Mấy anh em ngày nào cũng tẩn mẩn ngồi vót từng thanh tre, cắt từng tờ giấy chăm chút cho những sản phẩm của mình. Nhìn những con thuyền, chiếc xe máy, bộ quần áo… bằng giấy mà cứ ngỡ là thật. Bệnh nào thì tật nấy, những lúc trái gió trở trời mấy anh em lại lên cơn đau, nhiều lúc như vậy hàng không giao đúng ngày cho khách nhưng rồi khách cũng thông cảm.

Những tưởng từ đây mấy anh em bó bện vào nhau làm ăn nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Khi mấy anh em đã tạo lập cho mình một công việc ổn định thì Mai Văn Tâm qua đời năm 2007 trong một lần bị đột qụy, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ 2 tuổi. Mất đi người anh em thân thiết, ba anh em tật bệnh luôn động viên nhau cố gắng hết sức, nối tiếp cái nghề hàng mã mà anh Tâm đã vùn công tạo dựng nên. Hàng ngày, ba anh em trong căn nhà rách nát, bên những đống tạp nhan lộn xộn, chiến đấu với bệnh tật làm việc không mệt mỏi.

“Đôi chân tàn tật thì đôi tay phải đảm nhận cả hai nhiệm vụ vừa đi vừa làm việc” - Người anh trai cả Mai Thanh Bình nói đầy niềm tin.

Nghị lực vượt lên số phận của ba anh em “tàn nhưng không phế” đã trở thành tấm gương cho con em trong khu phố phường Phú Bình, TP Huế học tập.

Những ai muốn mua một bộ hàng mã đẹp và cũng là để tạo điều kiện công ăn việc làm cho ba anh em tàn tật, hãy tìm đến cửa hàng nhỏ của họ ở tổ 11, phường Phú Bình, TP Huế
Hình ảnh
7love
 
Bài viết: 451
Ngày tham gia: Thứ 7 08 Tháng 3, 2008 3:40 pm
Đến từ: Bãi Trành CTy

Quay về Pháp luật - Đời sống

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến46 khách

cron