Trang chủ EDA | Doman - Hosting | Siêu thị trực tuyến

“Bữa ăn tối cuối cùng” và chuyện VĐV Việt Nam

Điều hành viên: 7love

“Bữa ăn tối cuối cùng” và chuyện VĐV Việt Nam

Gửi bàigửi bởi 7love » Thứ 6 16 Tháng 5, 2008 1:57 am

Rất nhiều VĐV Việt Nam đang bị lưu manh hoá. Sẽ có người cho lời khẳng định đó là quá nặng và quá cay nghiệt, nhưng hãy nhìn lại mà xem, trong giới thể thao vài năm trở lại đây, cướp có, hiếp có, đâm chém có, bán độ có, chích choác cũng có.

Hình ảnh
Một phần của bức tranh "Bữa ăn tối cuối cùng" (Ảnh minh hoạ).

Từ bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng”…

Bạn đọc của tôi, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện về nguời hoạ sỹ - nhà khoa học tài danh Leonardo da Vinci và bức tranh để đời mang tên “Bữa ăn tối cuối cùng” (The last supper) của ông.

Đó là bức tranh về đức Chúa Jesus và 12 vị tông đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi ngài bị Judas đóng đinh trên Thánh giá. Da Vinci đáng kính vẽ bức tranh đó trong 7 năm ròng. Da Vinci rất công phu trong việc chọn người mẫu. Ngài đã tìm trong hàng nghìn thanh niên để lọc lấy một chàng trai có gương mặt thánh thiện nhất, có nhân cách tinh khiết và hoàn thiện nhất để làm hình mẫu đức Chúa Jesus. 6 năm trôi qua, da Vinci dồn hết tinh lực vào tác phẩm của mình.

Chỉ còn lại Judas, gã tông đồ phản phúc chỉ vì 30 đồng tiền, hình mẫu của Judas chắc chắn phải là một gương mặt hiện lên trong đó cái nhân cách thối tha, cái vẻ lọc lõi, hám lợi và tàn độc. Leo đã tìm giữa hàng trăm gương mặt xấu xa nhất, nhưng không ai làm ngài vừa ý. Rồi một ngày, da Vinci tìm được một gã tử tù đang chờ ngày ra pháp trường với rất nhiều tội có tày trời. Đó chính là gương mặt mà ngài dày công tìm kiếm 6 tháng nay, một gương mặt cháy sạm, sần sùi, tóc tai loà xoà bẩn thỉu và ánh mắt hạ lưu, tha hoá. 6 tháng say sưa bên gã người mẫu tử tù, bức tranh để đời đã hoàn thành.

Quá mệt mỏi với gương mặt tàn ác đó, ngài lệnh mang hắn đi. Bỗng nhiên, tên tử tù khóc nấc lên và lao đến quỳ mọp dưới chân da Vinci: “Da Vinci ngài ơi. Ngài nhìn con đi, ngài không nhận ra con sao?”. Một cái nhìn từ tốn, kỹ càng và một cái lắc đầu, da Vinci chưa hề gặp một con người tàn nghiệt và tha hoá đến thế. De Vinci đáng kính chỉ bật ngửa người kinh ngạc khi tên tử tù kêu lên "Ngài Vinci... Hãy nhìn kỹ lại tôi! Tôi chính là người mà bảy năm trước ông đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa trời..."

Đó là một câu chuyện thật. Câu chuyện không miêu tả con đường tha hoá của chàng trai có gương mặt thánh thiện như Chúa trời biến thành gương mặt đanh ác của Judas. Nhưng câu chuyện mang đến một bức thông điệp - bản chất con người ta không bất biến, nó là sự kết hợp và là cuộc chiến giữa môi trường và bản lĩnh.

Quan điểm đó có nét tương đồng với triết lý về giáo dục của Hồ Chủ tịch thể hiện trong Nhật ký trong tù: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên” và hoàn toàn đồng nhất với những dòng mở đầu của Tam tự kinh kinh điển: Nhân chi sơ - Tính bản thiện - Tính tương cận - Tập tương viễn.

…Đến câu chuyện “lưu manh hoá” của nhiều VĐV trẻ

Chuyện 2 cầu thủ U19 SLNA bị phát giác tiêm chích ma tuý không gây nhiều ngạc nhiên. Cầu thủ ăn nằm với “nàng tiên nâu” chỉ là một phần trong cái thế giới nổi của những gì đã được phát giác. Ắt không cần kể lại những cái tội tày trời mà những người xuất thân từ giới thể thao gây ra: hiếp dâm, cướp giật, đâm chém, hút hít, bán độ, gái mú… Thôi thì đủ cả. Và tôi tin đó chỉ là phần nổi rất nhỏ bé trong thế giới ăn chơi thác loạn của nhiều VĐV và cả những người của thể thao nhưng không phải là VĐV.

Chuyện VĐV tự đánh đổi tương lai của mình bằng những cuộc chơi thác loạn hay những cuộc thanh toán ngoài đời không còn xa lạ nữa. Không lạ, nhưng đau. Càng phát hiện thêm một cái đầu xanh phạm tội, nỗi đau đó càng nhân lên gấp bội và cũng nhức nhối thêm gấp bội.

Nhiều VĐV Việt Nam đang bị lưu manh hoá? Tôi cho là phải. Khi hàng loạt câu chuyện buồn được phát giác, những hành vi phạm pháp đó không còn là câu chuyện đơn lẻ của từng cá nhân nữa rồi.

VĐV Việt Nam có bản chất xấu và dễ bị sa ngã? Tôi cho rằng không. Tôi tất cả những con người trên thế giới này sinh ra đều giống nhau: như những tờ giấy trắng và tờ giấy trắng đó sẽ tự nhuộm cho mình những gam màu của cuộc sống. Đa số các VĐV Việt Nam ít nhận được sự giáo dục nhà trường đầy đủ, do đó nhận thức của họ nhiều khi khuyếm khuyết.

Tôi từng trách Xuân Thành - cầu thủ HN.ACB bị bắt đầu năm nay vì tàng trữ thuốc lắc - rằng cậu ta là một thằng đàn ông trưởng thành, có thần kinh hoàn toàn bình thường và cần chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Nhưng tôi cũng trách CLB HN.ACB vì tôi tin họ biết những gì đang diễn ra khi cầu thủ ở ngoài sân bóng mà không can ngăn kịp thời. Tôi cũng nực cười với phát biểu của một quan chức VFF rằng Liên đoàn sẽ có đợt kiểm tra tổng thể để phát hiện các cầu thủ dương tính với chất kích thích. Nực cười không phải bởi V-League đã khởi tranh lượt về mà cái kế hoạch đó vẫn bị xếp xó, mà bởi VFF có thể làm tốt hơn cái việc đi “làm chuồng” khi đã “mất bò”.

Tần suất các vụ vi phạm pháp luật của VĐV đang tăng lên. Và tôi tin cái tần suất đó sẽ không giảm cho đến khi ngành thể thao có những động thái cụ thể. Để các VĐV gây tội lỗi rồi xử và đợi pháp luật xử thì rất dễ. Ngăn chặn các hành vi đó mới khó, và khó nhất vẫn là bơm vào TTVN một bầu khí quyển sạch sẽ.

Có làm được không khi vẫn còn những ông thầy cứ sau mỗi buổi tập lại răm rắp đi nhậu và tìm vui với khoản Y, khoản Z? Làm được không khi vẫn có những ông thầy vô tư bật “phim bẩn” cho các VĐV tuổi U xem? Làm được không khi còn có những ông thầy mở mồm là chửi và chửi những câu không phải bà hàng cá nào cũng dám chửi? Làm được không khi vẫn còn những quan chức kiểu như một ông “quan” to to, của một LĐ thể thao to to, của một thành phố to to vẫn thường nhẵn mặt ở mấy cái khách sạn như O., F., B. ngay trong giờ hành chính?

Diệt đi những cá thể ung nhọt không khó, nhưng tạo ra một môi trường tinh khiết, lành mạnh để những cá thể sạch không bị làm bẩn và những cá thể trót lầm đường làm sạch mình mới khó. Khó đấy, và bới tận gốc, trốc tận rễ lại càng khó hơn. Nhưng đã đến lúc phải cứu lấy một môi trường thể thao, phải cứu lấy những con người trẻ đầy khát khao nhưng dễ bị lưu manh hoá vì thiếu ý thức, chưa đủ bản lĩnh.

Những người có liên quan từ gia đình, trường học, các trường đào tạo trẻ, các CLB, các liên đoàn và toàn ngành thể thao hãy siết chặt tay nhau, chụm đầu lại với nhau. Trước mắt, chúng ta có thể mất thêm nhiều VĐV, nhiều HLV có năng lực. Nhưng về lâu về dài, cái mất đó không đáng là bao so với cái được của cả một nền thể thao, của cả một thế hệ và nhiều thế hệ.

Bởi nói cho cùng, thể thao không phải là huy chương, không phải là tiền mà chính là hướng người ta đến sự cao thượng, sự cao thượng của một trái tim khoẻ trong một lồng ngực khoẻ.

Đừng để gương mặt thánh thiện của Jesus trong các VĐV trẻ rực lên ánh mắt tàn độc của Judas. Đó là cái tội của một nền thể thao.
Hình ảnh
7love
 
Bài viết: 451
Ngày tham gia: Thứ 7 08 Tháng 3, 2008 3:40 pm
Đến từ: Bãi Trành CTy

Quay về Tin thể thao trong nước

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến6 khách

cron